Nhật ký Lòng Chúa Thương Xót tập 1, đoạn (100-114)

100 Khi đó, sức lực thể lý của tôi cũng bắt đầu kiệt quệ, tôi không chu toàn được các nhiệm vụ của mình nữa. Tôi cũng không thể giấu được những đau khổ. Mặc dù không thốt ra một lời than vãn, nhưng dáng vẻ đớn đau trên gương mặt tôi đã bộc lộ hết. Mẹ Bề Trên cho tôi biết các chị em đến nói với Mẹ rằng, khi thấy tôi trong nhà nguyện, họ đã xúc động vì thấy tôi quá thê thảm. Vâng, mặc dù cố gắng hết sức, nhưng linh hồn vẫn không thể che giấu được nỗi khổ ấy.

101 Lạy Chúa Giêsu, chỉ mình Chúa biết linh hồn bị đắm chìm giữa tăm tối rên xiết thế nào giữa nỗi cực hình, và dù vậy, vẫn khao khát Chúa như một bờ môi khô lả khát nước. Linh hồn tàn lụi héo hắt; chết mà không chết; có thể nói là không sao chết được. Tất cả cố gắng của linh hồn đều không đến đâu; nó bị đè dưới một bàn tay mạnh mẽ. (48) Giờ đây, linh hồn nằm dưới quyền lực Đấng Chí Công. Mọi cám dỗ bên ngoài đều ngưng lại; mọi vật chung quanh đều im tiếng. Khác nào xác chết không còn tiếp xúc với vạn vật chung quanh: trót cả linh hồn nằm trong bàn tay của Thiên Chúa Công Thẳng, Thiên Chúa Ba-Lần-Thánh, – và bị loại bỏ muôn đời! Đây là giờ phút tột cùng, và chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thử thách linh hồn đến vậy, vì chỉ mình Người mới biết linh hồn có thể chịu đựng đến đâu.

Khi đã bị ngập thấu trong thứ lửa hỏa ngục này, có thể nói linh hồn đã gục đầu chán chường tuyệt vọng. Linh hồn tôi đã cảm nghiệm giờ phút này những khi ở một mình trong phòng riêng. Khi linh hồn bắt đầu chìm đắm trong nỗi ê chề này, tôi cảm thấy kết cuộc đã gần kề. Nhưng tôi nắm chặt lấy tượng Chuộc Tội và ghì xiết trong tay. Giờ đây tôi cảm thấy thân xác đang tách khỏi linh hồn; và dù muốn đến gặp các bề trên, nhưng tôi không còn sức lực. Tôi thốt lên những lời sau hết: “Con tín thác nơi lòng thương xót Chúa!” – và đối với tôi, dường như tôi đang làm Thiên Chúa thịnh nộ thêm. Giờ đây, chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng, tất cả còn lại với tôi chỉ là một tiếng rên não nuột thỉnh thoảng phát ra từ linh hồn. Linh hồn trong cơn thống khổ – dường như tôi đang trong thảm trạng ấy, bởi vì tự sức mình, tôi không sao vượt khỏi đó được. Mỗi lần nhớ đến Chúa là mỗi lần khơi ra một đại dương đau khổ khôn tả, tuy vậy, vẫn có một cái gì trong linh hồn níu kéo đến với Chúa, mặc dù điều này chỉ làm đau khổ thêm. Việc tưởng nhớ đến tình yêu Thiên Chúa trước kia đã từng ấp ủ linh hồn cũng là một nỗi khổ cho nó. Ánh nhìn của Người xuyên thấu, và mọi sự trong linh hồn bị cháy lên dưới ánh nhìn này.

102 Một lúc sau, một chị vào phòng và nhìn thấy tôi đã gần như chết. Chị hốt hoảng chạy tìm Mẹ Giám Tập, Mẹ đến và nhân danh đức vâng lời truyền cho tôi trỗi dậy khỏi mặt đất. Sức lực tôi liền phục hồi, tôi trỗi dậy, run rẩy. Mẹ Giám Tập nhận ra tình trạng linh hồn tôi và nói cho tôi biết về lòng nhân lành vô biên Thiên Chúa, Mẹ nói, “Này chị, chị đừng ngã lòng về sự gì cả. Tôi truyền điều này cho chị nhân danh đức vâng lời.” Sau đó, Mẹ còn nói thêm, “Này chị, bây giờ tôi thấy Thiên Chúa đang kêu gọi chị lên một cấp độ thánh thiện cao vời; Chúa muốn kéo chị đến gần bên Người, vì thế Người đã tha phép cho những điều này xảy đến với chị sớm sủa như vậy. Này chị, chị hãy trung thành với Thiên Chúa bởi vì đây là dấu cho thấy Người muốn chị có được một chỗ cao trọng trên thiên đàng.” Tuy nhiên, tôi chẳng hiểu gì về những lời ấy. (49) Khi vào nhà nguyện, tôi cảm thấy linh hồn như thể đã được giải thoát khỏi mọi sự, như thể vừa mới từ bàn tay Chúa mà ra. Tôi nhận ra tính bất khả xâm phạm của linh hồn. Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ bé bỏng.

103 Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy Chúa trong lòng, Người phán với tôi, Hỡi ái nữ của Cha, đừng sợ, Cha ở với con. Ngay giây phút ấy, mọi tăm tối và cực hình đều biến mất, các giác quan tôi dạt dào niềm vui sướng khôn tả, [và] các tài năng của linh hồn tôi chứa chan ánh sáng.

104 Tôi muốn nói thêm, mặc dù linh hồn tôi đã ở trong những tia sáng tình yêu Thiên Chúa, nhưng các dấu vết cực hình quá khứ vẫn hằn lại trên thân xác tôi hai ngày nữa: mặt tái xanh như chết, cặp mắt thì đỏ ngầu. Chỉ mình Chúa Giêsu mới biết tôi đã chịu đựng những gì. Những điều tôi viết ra đây thật chẳng là gì so với thực tế. Tôi không thể diễn tả bằng ngôn từ; dường như tôi đã từ thế giới bên kia trở về. Tôi cảm thấy gớm ghét mọi thụ tạo; tôi nép sát vào Trái Tim Chúa như một con trẻ ôm bầu sữa mẹ. Giờ đây, tôi nhìn mọi sự đã khác xưa. Tắt một lời, tôi ý thức được những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong linh hồn tôi, và tôi nhờ đó mà sống được. Tôi rùng mình khi hồi tưởng cực hình đã qua. Có lẽ không sao tin nổi con người mà lại có thể chịu đựng đến thế nếu chính bản thân chưa từng trải nghiệm. Đây là một đau khổ thuần túy tinh thần.

105 Tuy nhiên, giữa tất cả những đau khổ và chiến đấu, tôi vẫn không bỏ rước lễ. Có lần vì nghĩ không nên rước Chúa, trước giờ hiệp lễ, tôi đã đến gặp Mẹ Giám Tập và thưa rằng tôi không thể hiệp lễ, bởi thấy mình không nên làm thế. Nhưng Mẹ không ban phép cho tôi bỏ hiệp lễ, thành ra tôi cứ lên, và giờ đây tôi hiểu rằng nhờ đức vâng lời mà tôi đã được cứu thoát.

Mẹ Giám Tập sau đó cho biết tôi đã vượt qua những thử thách một cách chóng vánh như thế “chỉ vì đã vâng lời, chị à; chính nhờ sức mạnh đức vâng lời mà chị đã thắng vượt điều này một cách can đảm như thế.” Quả thực, chính Chúa đã đưa tôi ra khỏi nỗi cực hình, nhưng sự trung thành với đức vâng phục của tôi đã làm đẹp lòng Người.

106 Mặc dù đó là những điều kinh hãi, nhưng linh hồn không nên quá khiếp sợ, bởi Thiên Chúa không bao giờ thử thách chúng ta quá sức chịu đựng. Đàng khác, cũng có thể Chúa không bao giờ gửi cho chúng ta những đau khổ ấy, nhưng tôi viết điều này bởi vì nếu Chúa vui lòng để một linh hồn trải qua (50) những đau khổ ấy, thì họ không nên sợ hãi vì điều này tùy thuộc vào chính bản thân họ nếu họ trung thành với Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ không làm hại linh hồn bởi chính Người là tình yêu, và chính vì tình yêu vô cùng ấy mà Người đã đưa linh hồn ra hiện hữu. Tuy nhiên, giữa cơn đau khổ, chính tôi cũng chẳng hiểu ra điều này.

107 Lạy Chúa của con, con đã biết mình không thuộc về thế gian; lạy Chúa, Chúa đã trào đổ cho linh hồn con ý thức sâu xa về điều này. Con được hiệp thông với cõi trời nhiều hơn với cõi đất, mặc dù con không xao lãng với những bổn phận của mình.

108 Trong những thời gian ấy, tôi không có cha linh hướng mà cũng không được hướng dẫn gì cả. Tôi khẩn nài Chúa, nhưng Người vẫn không ban cho tôi một vị linh hướng. Chính Chúa Giêsu là Thầy Dạy của tôi ngay từ tấm bé cho đến lúc này. Chúa đồng hành với tôi qua những sa mạc và mọi hiểm nguy. Tôi thấy rõ ràng chỉ một mình Chúa có thể dìu dắt tôi băng qua những hiểm nguy nhường ấy một cách an lành, linh hồn tôi không bị hoen ố và thắng vượt những trắc trở gian nan một cách khải hoàn. Ra khỏi [...]. Về sau, Chúa mới ban cho tôi một cha linh hướng.

109 Sau những đau khổ ấy, linh hồn thấy mình trong tình trạng hết sức tinh sạch và thân mật với Thiên Chúa. Nhưng tôi xin thêm rằng ngay trong thời gian cực hình ấy, tuy ở bên Thiên Chúa, nhưng linh hồn lại bị mù. Cái nhìn của linh hồn bị chìm trong tăm tối, Thiên Chúa vẫn ở gần gũi với linh hồn đau khổ, nhưng tất cả bí mật là ở chỗ linh hồn chẳng nhận biết điều này. Thực vậy, linh hồn thừa nhận không những Thiên Chúa đã ruồng bỏ nó, mà nó còn là đối tượng gớm ghét của Người. Con mắt của linh hồn đau khổ thật mù lòa biết bao! Khi tiếp xúc với ánh sáng thần linh, linh hồn khẳng định ánh sáng ấy không hề hiện hữu chỉ vì ánh sáng quá chói chang ấy đã làm cho linh hồn bị quáng. Tuy vậy, về sau, tôi biết Thiên Chúa đã ở gần gũi với một linh hồn trong những giây phút như thế hơn bao giờ hết, bởi vì nếu chỉ được trợ lực bằng ân sủng thông thường, ắt hẳn linh hồn không thể chịu nổi những thử thách này. Quyền toàn năng và ân sủng ngoại thường của Chúa nhất định phải hoạt động ở đây, vì nếu không, linh hồn có lẽ đã thất bại ngay từ đau khổ ban đầu.

110 Lạy Tôn Sư chí thánh, điều xảy ra trong linh hồn con là công việc của riêng Chúa! Lạy Chúa, Chúa đã không ngần ngại để linh hồn con đứng bên bờ vực thẳm hun hút, khiếp hãi, và rồi gọi con trở về bên Chúa. Đây là những mầu nhiệm khôn thấu của Chúa.

111 (51) Giữa những cực hình nội tâm này, tôi đã cáo mình cả những sai lỗi vụn vặt nhất, linh mục lấy làm lạ vì tôi không phạm các lỗi nặng nên nói với tôi, “Nếu giữa những đau khổ mà chị trung thành được với Thiên Chúa thế này, điều đó cho tôi thấy rõ là Thiên Chúa đang nâng đỡ chị bằng một hồng ân đặc biệt, và việc chị không hiểu chuyện này hóa ra là một điều tốt đấy, chị ạ.” Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cha giải tội cũng chẳng hiểu tôi và cũng chẳng giúp tôi nhẹ nhõm được trong những vấn đề này cho tới khi tôi gặp được cha Andrasz, và sau đó là cha Sopocko.

112 + Ít điều về việc xưng tội và các cha giải tội. Tôi sẽ chỉ nói về những gì bản thân đã trải qua và đã diễn ra trong linh hồn tôi. Trong những giờ phút ngoại thường này, có ba điều cản trở khiến linh hồn không thể kín múc được lợi ích từ việc xưng tội.

Thứ nhất: Cha giải tội thiếu hiểu biết những đường lối ngoại thường và tỏ ra ngỡ ngàng khi một linh hồn cho ngài biết những mầu nhiệm trọng đại Chúa đang thực hiện nơi họ. Sự ngỡ ngàng của ngài khiến linh hồn nhạy cảm phải sợ hãi vì thấy cha giải tội lưỡng lự nói lên ý kiến, và một khi linh hồn nhận ra thái độ ấy, thì họ cảm thấy bất an. Sau khi xưng tội, họ còn nhiều nghi nan hơn trước vì thấy cha giải tội cố gắng trấn an họ trong khi chính ngài thì lại bất an. Hoặc giống như trường hợp đã từng xảy ra với tôi: một cha giải tội, vì không thấu đạt các mầu nhiệm của linh hồn, nên đã từ chối giải tội, và tỏ ra sợ hãi khi thấy linh hồn đến tòa cáo giải.

Một linh hồn trong tình trạng này làm sao có thể tìm được bình an trong tòa cáo giải khi họ đã trở nên quá nhạy cảm với từng lời của vị linh mục? Theo thiển kiến của tôi, trong những thử thách đặc biệt Chúa gởi đến cho một linh hồn như vậy, nếu vị linh mục không hiểu được linh hồn thì nên hướng dẫn họ gặp một cha giải tội khác từng trải và khôn ngoan hơn. Nếu không, chính ngài phải tìm hiểu để cung cấp cho linh hồn ấy những gì họ cần, thay vì thẳng thừng từ chối không ban bí tích Xá Giải cho họ. Làm như thế là ngài xô linh hồn vào chỗ nguy hiểm trầm trọng; và không ít linh hồn đã từ bỏ con đường Chúa muốn họ phải theo. Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng, vì bản thân tôi đã từng trải qua. Chính tôi đã bắt đầu chao đảo; mặc dù được những ân huệ đặc biệt Chúa ban, và dù chính Chúa đã trấn an, nhưng lúc nào tôi cũng muốn được một ấn tín từ phía Giáo Hội.

(52) Thứ hai: Cha giải tội tỏ ra bất nhẫn và không cho linh hồn được giãi bày một cách thẳng thắn. Vì thế, linh hồn đành câm nín, không trình bày điều gì cả [mà đúng ra phải trình bày], và do đó không thu lượm được ích lợi. Tệ hơn nữa là khi cha giải tội, mặc dù thực sự không hiểu biết linh hồn, vẫn cứ thử thách họ. Thay vì giúp đỡ, vị linh mục lại làm hại linh hồn đương sự. Linh hồn nhận ra vị linh mục không hiểu biết họ, vì ngài không cho họ giãi trình cặn kẽ về những ân sủng cũng như nỗi khốn cùng của họ. Và như thế, việc thử thách hóa ra lệch hướng. Đối với một số thử thách mà tôi đã phải chịu, tôi chỉ còn nước phải phì cười.

Tôi xin giải thích rõ ràng hơn sự việc này như sau: cha giải tội là thầy thuốc của linh hồn, nhưng một thầy thuốc không hiểu biết bản chất căn bệnh thì làm sao có thể kê đơn phù hợp cho được? Không bao giờ ngài có thể làm được. Vì một mặt, thuốc không sinh công hiệu như ý muốn, hoặc là thuốc sẽ quá mạnh và làm cho bệnh tình nặng thêm, và lắm khi – lạy Chúa – còn gây ra tử vong nữa. Tôi đang nói về kinh nghiệm bản thân, vì trong một số trường hợp, chính Chúa đã phải trực tiếp đỡ nâng tôi.

Thứ ba: Cha giải tội nhiều khi coi thường những yếu tố nhỏ mọn. Trong đời sống thiêng liêng, không có gì là nhỏ mọn cả. Đôi khi một yếu tố xem ra tầm thường lại ẩn chứa một tiền đề đưa đến những hiệu quả quan trọng, và là tia sáng giúp cha giải tội hiểu biết thêm về linh hồn. Rất nhiều điều cơ bản về phương diện thiêng liêng tiềm ẩn dưới những điều nhỏ mọn.

Một tòa nhà nguy nga không bao giờ có thể vươn cao nếu chúng ta vất bỏ hết những viên gạch vô nghĩa. Thiên Chúa đòi hỏi các linh hồn phải rất tinh sạch, và do đó Người cho họ thấm thía sâu xa về nỗi khốn cùng của họ. Được ơn trên soi sáng, linh hồn biết được điều gì đẹp lòng và điều gì không đẹp lòng Thiên Chúa. Tội lỗi tùy thuộc vào mức độ hiểu biết và ánh sáng trong linh hồn. Các bất toàn cũng tương tự như thế. Mặc dù linh hồn biết chỉ có tội lỗi đúng nghĩa mới liên hệ đến nhiệm tích Xá Giải, tuy nhiên, những lỗi nhỏ mọn đối với một linh hồn muốn nên thánh cũng có một tầm quan trọng, và cha giải tội không được coi nhẹ điều này. Sự kiên nhẫn và hiền từ của cha giải tội sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến những bí ẩn sâu xa nhất của một linh hồn. Linh hồn sẽ giãi bày cõi sâu thẳm của chính mình – có thể một cách vô thức – và cảm thấy được mạnh mẽ kiên cường hơn; họ chiến đấu can đảm hơn và cố gắng làm các việc tốt hơn vì biết sẽ phải tính sổ về những việc ấy.

(53) Tôi xin đề cập thêm một điều nữa liên quan đến các cha giải tội. Đôi khi, các ngài cũng có bổn phận phải dùng đến thử thách để luyện lọc và để biết chắc ngài đang làm việc với rơm, với sắt, hay với vàng ròng. Ba loại linh hồn trên đây đều cần những hình thức huấn luyện riêng biệt. Cha giải tội phải có một phán đoán lành mạnh về mỗi linh hồn – đây là điều tuyệt đối cần thiết – để biết họ có thể chịu đựng đến đâu trong từng thời gian, từng hoàn cảnh, hay từng trạng huống đặc biệt. Đối với tôi, về sau này, qua nhiều kinh nghiệm (tiêu cực), tôi mới vỡ ra rằng các ngài đã không hiểu tôi, nên tôi không giãi bày linh hồn và không để cho sự bình an của mình bị khuấy phá. Đến mãi về sau, tất cả mọi ân sủng mới được ủy thác cho phán đoán của một cha giải tội đầy khôn ngoan, hiểu biết và kinh nghiệm. Giờ đây, tôi đã biết phải làm gì trong một số những trường hợp đặc biệt.

113 Một lần nữa, tôi muốn đề cập ba điều với linh hồn quyết tâm cố gắng nên trọn lành và thu lượm kết quả từ việc xưng tội.

Điều thứ nhất – hết sức thành thực và cởi mở. Ngay cả một cha giải tội thánh thiện và khôn ngoan nhất cũng không thể miễn cưỡng đổ vào linh hồn những điều ngài muốn nếu nó không thành thực và cởi mở. Một linh hồn thiếu thành thực và che đậy sẽ liều gặp những nguy hiểm trong đời sống thiêng liêng, và chính Chúa Giêsu cũng không ban mình theo một mức độ cao vời cho linh hồn như thế, bởi vì Người biết nó cũng chẳng được ích lợi gì từ những ân sủng đặc biệt này.

Điều thứ hai – khiêm nhượng. Một linh hồn không hưởng được lợi ích tương đáng từ bí tích Giải Tội nếu không khiêm nhượng. Tính kiêu ngạo cầm giữ linh hồn trong cảnh tối tăm. Linh hồn không biết cách thế, mà cũng chẳng muốn tìm hiểu cho biết tường tận những vực thẳm khốn cùng của mình. Họ đeo một chiếc mặt nạ và tránh tất cả những gì lột mặt nạ của mình.

Điều thứ ba – vâng phục. Một linh hồn bất tuân sẽ không chiến thắng cho dù Chúa Giêsu đích thân ngồi giải tội cho họ. Cha giải tội từng trải nhất cũng chẳng ích lợi gì cho một linh hồn như thế. Linh hồn bất tuân liều gặp những nguy cơ lớn lao; họ không tiến bộ trên đường trọn lành, mà cũng chẳng thành công trong đời sống thiêng liêng. Thiên Chúa rộng ban những ân sủng của Người trên linh hồn, nhưng bắt buộc phải là linh hồn vâng phục.

114 (54) + Ôi, êm ái thay bài thánh ca của linh hồn giữa đau khổ! Toàn thể thiên đàng sung sướng nơi linh hồn này, nhất là khi họ đang được Thiên Chúa thử thách. Họ hát lên như than vãn nỗi niềm khát mong Thiên Chúa của mình. Vẻ đẹp của họ thật cao khiết vì phát xuất từ Thiên Chúa. Linh hồn dò dẫm băng qua miền rừng rậm của cuộc đời, bị đả thương vì tình yêu Thiên Chúa. Nhưng họ chỉ chạm một chân xuống đất mà thôi.