Nhật ký Lòng Chúa Thương Xót ==>Dẫn Nhập.

DẪN NHẬP

THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trỗi vượt trong Giáo Hội.

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogowiec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan. Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.” Ngay từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân. Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì. Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện. Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn. Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện. Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận. Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw. Trong Nhật Ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn” (NK 17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện. Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK 19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina. Chị đã sống thời kỳ năm tập tại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục. Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina. Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Tất cả đời sống của chị được tập trung vào việc liên lỉ cố gắng đạt đến một cuộc kết hiệp ngày càng mật thiết hơn với Thiên Chúa và quên mình cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu rỗi các linh hồn. Chị đã viết trong Nhật Ký, “Chúa biết ngay từ những năm đầu tiên, con đã muốn trở nên một vị đại thánh; tức là yêu mến Chúa bằng một tình yêu vĩ đại như chưa từng có linh hồn nào đã yêu mến Chúa như thế” (NK 1372).

Chính quyển Nhật Ký của chị đã cho chúng ta thấy được những chiều sâu trong đời sống thiêng liêng của chị. Những tư liệu này – nếu được đọc chăm chú – sẽ làm hiện lên một bức tranh diễn tả mối thân tình hợp nhất cao độ giữa linh hồn chị với Thiên Chúa: sự khắng khít lạ lùng giữa Thiên Chúa với linh hồn chị, cũng như những nỗ lực và chiến đấu của chị trên con đường hoàn thiện Kitô Giáo. Chúa đã ban cho chị nhiều hồng ân phi thường: ơn chiêm niệm, ơn hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm lòng thương xót Chúa, các thị kiến, mặc khải, những dấu thánh tiềm ẩn, ơn nói tiên tri, ơn đọc được tâm hồn người khác, và ơn quí trọng bậc nhiệm hôn. Tuy được hoan hưởng những hồng ân ấy rất dồi dào, nhưng chị đã viết: “Không phải các ân sủng, các mặc khải, các lần ngất trí, hoặc các ân huệ làm cho linh hồn nên hoàn hảo, nhưng chính là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn với Thiên Chúa… Sự thánh thiện và hoàn hảo của tôi hệ ở việc kết hợp mật thiết giữa ý chí tôi với ý chí Thiên Chúa” (NK 1107).

Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức ngay cả trước khi vào dòng của chị đã làm suy sụp yếu nhược thể trạng của chị, đến nỗi ngay trong thời gian thỉnh tu, chị đã được đưa đi Skolimow gần Warsaw để phục hồi sức khỏe. Gần cuối năm đầu tiên trong thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn vẫn được gọi là đêm tối giác quan, và sau đó là các đau khổ tinh thần và luân lý liên quan đến việc hoàn thành sứ mạng mà chị được nhận lãnh từ Chúa Kitô. Thánh nữ Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế, chị đã chịu đựng những khổ đau tư bề để trợ giúp các linh hồn. Trong những năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của cái gọi là đêm thụ động của linh hồn và những bệnh nạn phần xác càng trở nên dữ dội hơn nữa. Căn bệnh lao của chị lan dần, tấn công những lá phổi và phần ruột non. Vì vậy, hai lần chị đã phải trải qua nhiều tháng điều trị ở bệnh viện phố Pradnik tại Cracow.

Tuy kiệt quệ về thể lý, nhưng chị Faustina đã đạt đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng. Chị đã từ giã cõi trần khi chưa trọn 33 tuổi đời, giữa tiếng thơm thánh thiện, và được kết hiệp muôn đời với Thiên Chúa vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, sau 13 năm trong cuộc sống tu trì. Thi hài của chị được an nghỉ tại ngôi mộ chung trong nghĩa trang tu viện tại Cracow-Lagiewniki. Năm 1966, trong khi thủ tục điều tra tôn phong chân phúc đang được xúc tiến, thi hài nữ tu Faustina đã được cải táng vào nhà nguyện của tu viện.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp lòng thương xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588).

“Con là thư ký của lòng thương xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605) … “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về lòng thương xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào lòng thương xót vô tận của Cha” (NK 1567).

SỨ MẠNG CỦA THÁNH NỮ FAUSTINA. Sứ mạng chính yếu của chị thánh là nhắc nhở cho chúng ta về những chân lý đức tin ngàn đời nhưng dường như đã bị lãng quên về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và truyền đạt cho chúng ta những hình thức mới mẻ của việc tôn sùng lòng thương xót Chúa, ngõ hầu làm hồi sinh cuộc sống thiêng liêng trong tinh thần tin tưởng và nhân ái của Kitô Giáo.

Quyển Nhật Ký Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho chị thánh phải viết trong suốt bốn năm cuối đời chị là một tư liệu chuyên biệt ghi lại những sự kiện hiện diễn hoặc những biến cố hồi tưởng, chủ yếu liên quan đến những “lần gặp gỡ” giữa linh hồn chị với Thiên Chúa. Cần phải có một công trình phân tích mang tính nghiêm túc và học thuật về những tập Nhật Ký ấy, với mục đích chiết xuất tất cả những gì là thiết yếu đối với sứ mạng của chị thánh.

Công trình này đã được linh mục giáo sư Ignacy Rozycki, một thần học gia xuất chúng và được kính trọng thực hiện. Bản tóm lược công trình thần học mang tính học thuật của cha đã được ấn hành, dưới tựa đề Lòng Thương Xót Chúa: Những Đặc Điểm Cơ Bản của Việc Tôn Sùng Lòng Thương Xót Chúa.

So với công trình thần học quan trọng này, tất cả những ấn phẩm trước kia bàn về việc sùng kính lòng thương xót Chúa theo thánh nữ Faustina dường như chỉ quan tâm đến một vài yếu tố hoặc những vấn đề tùy phụ mà thôi. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, chỉ nhấn mạnh đến Kinh Cầu hoặc Tuần Cửu Nhật kính lòng thương xót Chúa, nhưng lại lơ là với Giờ Thương Xót Vô Biên.

Cha Rozycki đã hướng chúng ta chú ý đến điều này khi nói rằng: “Trước khi làm quen với những yếu tố cụ thể của việc sùng kính lòng thương xót Chúa, chúng ta cần phải ghi nhận rằng trong những yếu tố ấy, chúng ta sẽ không tìm được những tuần cửu nhật hoặc những kinh cầu nổi tiếng và được yêu chuộng.”

Căn bản cho việc tuyển chọn những lời kinh và những việc đạo đức này –chứ không phải những việc khác – làm những hình thức mới mẻ của việc sùng kính lòng thương xót Chúa là những lời hứa cụ thể gắn liền với chúng mà Chúa Giêsu đã hứa ban, miễn là chúng ta tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống nhân ái với những người lân cận. Cha Rozycki chỉ ra năm yếu tố của việc tôn sùng lòng thương xót Chúa.

Bức hình Chúa Giêsu Thương Xót. Kiểu dáng bức hình được tỏ ra trong cuộc thị kiến của chị Faustina, ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong phòng tư của chị tại tu viện Plock. Chị ghi lại lời Chúa truyền trong Nhật Ký, “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” (NK 47). “Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Vì vậy, nội dung của bức hình liên hệ gần gũi với phụng vụ của Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Hôm đó, Giáo Hội đọc bài Phúc Âm theo thánh Gioan, kể lại biến cố Chúa Kitô sống lại và hiện ra trong nhà Tiệc Ly, và việc thiết lập bí tích Hòa Giải (Ga 20:1929). Như vậy, bức hình này biểu thị Đấng Cứu Thế phục sinh từ trong cõi chết, Đấng đem an bình đến cho nhân loại qua việc tha thứ tội lỗi bằng cái giá cuộc thương khó và tử nạn của Người trên thánh giá.

Những dòng máu và nước trào ra từ Trái Tim bị lưỡi đòng đâm thâu (không hiện rõ trong bức hình) và dấu vết các thương tích đóng đinh làm nhớ lại những biến cố ngày thứ Sáu tuần Thánh (Ga 19:17-18; 33-37). Vì vậy, bức hình Đấng Cứu Thế thương xót kết hợp hai biến cố trong Phúc Âm và biểu hiện rõ nét về mức độ sung mãn của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Hai luồng sáng là nét nổi bật trong bức hình Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu khi được hỏi về ý nghĩa bức ảnh đã giải thích: “Luồng sáng màu lam nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính. Luồng sáng màu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Phúc cho linh hồn nào cư ngụ trong nơinương náu của họ” (NK 299). Bí tích Thánh Tẩy và bí tích Hòa Giải thanh tẩy linh hồn, còn bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn được nên giàu có sung túc.

Như vậy, hai luồng sáng tượng trưng cho các bí tích thánh thiện ấy và tất cả những ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng trong Thánh Kinh được biểu thị bằng nước, cũng như giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại trong bửu huyết Chúa Kitô.

Bức hình Chúa Giêsu Thương Xót thường được gọi rất xứng hợp là bức hình “Chúa Thương Xót,” bởi vì bức hình này thể hiện rất rõ nét tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

Bức hình này không những biểu hiện lòng thương xót Thiên Chúa, mà còn là một dấu hiệu nhắc nhở nghĩa vụ Kitô hữu phải tín thác vào Thiên Chúa và phải tích cực yêu thương người lân cận. Theo ý Chúa Kitô, bức hình phải mang hàng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.” Người còn tuyên bố, “Đó sẽ một vật nhắc nhở về các yêu sách của lòng thương xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” (NK 742).

Về việc tôn kính bức hình, được hiểu như cách thể hiện thái độ tin tưởng và nhân ái của Kitô Giáo, Chúa đã hứa ban những ơn trọng đại, đó là ơn phần rỗi muôn đời, ơn mạnh tiến trên đường hoàn thiện Kitô Giáo, ơn chết lành, và tất cả những ơn người ta nài xin Chúa với lòng tin tưởng: “Qua bức hình, Cha sẽ ban nhiều ân sủng cho các linh hồn; vậy hãy để mọi người đến được với bức hình ấy” (NK 570).

Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính lòng thương xót Chúa được mặc khải cho thánh nữ Faustina. Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Việc chọn Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh làm ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa mang một ý nghĩa thần học sâu xa, nói lên mối tương quan gần gũi giữa mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ với mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa. Mối tương quan mật thiết này còn được nhấn mạnh hơn nữa qua tuần Cửu Nhật với chuỗi kinh kính lòng thương xót Chúa, bắt đầu từ ngày thứ Sáu tuần Thánh để dọn mình mừng lễ.

Lễ này không những là một ngày dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa trong mầu nhiệm lòng thương xót của Người, mà còn là một thời gian ân sủng dành cho mọi người. Chúa Giêsu đã phán: “Cha ước mong đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha trở thành chỗ nương náu và trú ẩn cho mọi linh hồn, nhất là các tội nhân đáng thương” (NK 699). “Các linh hồn vẫn cứ hư mất mặc dù đã có cuộc Khổ Nạn cay đắng của Cha. Cha ban cho họ niềm hy vọng sau cùng về phần rỗi; đó là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha. Nếu họ không sùng kính lòng thương xót Cha, họ sẽ phải hư mất muôn đời” (x. NK 965, 998).

Tầm mức cao quí của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ: Chúa Giêsu đã phán, “…bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xóa sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở. Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha. Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở. Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).

Để được hưởng nhờ những ơn ích trọng đại ấy, chúng ta phải hội đủ những điều kiện của việc sùng kính lòng thương xót Chúa (tín thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống nhân ái với người chung quanh), phải sống trong tình trạng ơn thánh – xưng tội, và hiệp lễ xứng đáng. Chúa Giêsu đã giải thích: “Không một linh hồn nào sẽ được công chính hóa trước khi quay về với lòng thương xót Cha trong niềm tín thác, đó là lý do Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha. Trong ngày đó, các linh mục hãy nói cho mọi người về lòng thương xót vĩ đại khôn dò của Cha” (NK 570).

Chuỗi kinh lòng thương xót Chúa. Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho thánh nữ Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (x. NK 474-476).

Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới. Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại.

Bằng lời kinh này, các tín hữu nài xin lòng thương xót cho chính họ và toàn thế giới, và như thế, họ thực thi một công việc nhân ái. Nếu các tín hữu thêm vào đó một căn bản là lòng tín thác và hội đủ các điều kiện của mọi lời cầu nguyện tốt lành (khiêm nhượng, kiên trì, hợp với thánh ý Chúa), họ có thể trông đợi Chúa Kitô sẽ hoàn thành những lời hứa đặc biệt liên quan đến giờ chết: đó là ơn được sám hối và chết lành.

Không chỉ những người đọc chuỗi kinh, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ. Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên gường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811). Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “… nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731). Bởi vì bất cứ điều gì không phù hợp với thánh ý Chúa đều không tốt cho con người, nhất là cho hạnh phúc đời đời của họ.

Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “… bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929), và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được lòng thương xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết” (NK 754).

Giờ Thương Xót Vô Biên. Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật Ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “… mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong lòng thương xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng lòng thương xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).

Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng lòng thương xót Chúa: “… con hãy cố gắng hết sức – miễn là bổn phận cho phép – để suy ngắm Đường Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đường Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầy lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572). Linh mục giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời: 1. Phải thưa lên với Chúa Giêsu. 2. Phải được đọc vào lúc ba giờ chiều. 3. Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện; đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – lòng thương xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

Truyền bá việc tôn sùng lòng thương xót Chúa. Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng lòng thương xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính lòng thương xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).

Yếu tính việc sùng kính lòng thương xót Chúa là thái độ tín thác vào Thiên Chúa và tích cực sống nhân ái với người lân cận. Chúa Giêsu phán: “Cha khao khát niềm tín thác từ các thụ tạo của Cha” (NK 1059), và Người mong đợi họ hãy thể hiện lòng nhân ái qua các việc làm, lời nói, và lời cầu nguyện. Chúa còn phán: “Ở mọi nơi và trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với những người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy” (NK 742). Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân lận.

Việc truyền bá việc sùng kính lòng thương xót Chúa không đòi hỏi nhiều lời, nhưng luôn luôn phải có thái độ đức tin Kitô Giáo, tín thác vào Thiên Chúa và sống ngày càng nhân ái hơn. Trong cuộc sống của mình, thánh nữ Faustina đã nêu một tấm gương về công việc tông đồ như thế.

Việc sùng kính lòng thương xót Chúa hướng đến mục tiêu canh tân đời sống đạo đức trong Giáo Hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô Giáo. Trong bối cảnh này, chúng ta hãy xét đến ý tưởng về “một dòng tu mới” mà chúng ta gặp trong những trang của quyển Nhật Ký. Ước vọng này của Chúa Kitô được dần dần hiện rõ trong suy tư của chị thánh Faustina, và trải qua một cuộc biến đổi – từ một dòng tu chiêm niệm ngặt phép sang hẳn một phong trào kết nạp cả những cộng đoàn tu trì hoạt động (nam và nữ) lẫn thành phần giáo dân.

Cộng đoàn vĩ đại siêu quốc gia này chỉ là một gia đình, trước tiên nhờ Chúa mà được hợp nhất trong mầu nhiệm lòng thương xót của Người, và kế đến là nhờ lòng khát khao, vừa để giãi chiếu ánh lòng nhân ái trong tâm hồn và công việc của họ, vừa để vinh quang Chúa được chiếu tỏa nơi mọi tâm hồn. Đó là một cộng đoàn gồm những người khác biệt, tùy theo bậc sống và ơn gọi mỗi người (linh mục, tu sĩ, hoặc giáo dân), sống lý tưởng tín thác và nhân ái của Phúc Âm, đồng thời rao giảng mầu nhiệm cao vời về lòng thương xót Chúa bằng đời sống và lời nói của mình để nài xin ơn thương xót cho thế giới.

Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo Hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa giàu lòng nhân từ) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM

Cracow, tháng 12 năm 1991.

——————-