Nhật ký Lòng Chúa Thương Xót (Diary Divine Mercy In My Soul)

Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi

Diary Divine Mercy In My Soul

 

LỜI ĐẦU CHO NGUYÊN BẢN TIẾNG BA LAN

Khi cho ra mắt quyển Nhật Ký của thánh nữ Faustina Kowalska, tôi ý thức mình đang giới thiệu một tài liệu về con đường thần bí Công Giáo, mang một giá trị ngoại thường, không những với Giáo Hội Ba Lan, mà còn với Giáo Hội toàn cầu.

Ấn phẩm này là một ấn bản nghiêm túc, và vì thế, rất khả tín. Đây là công trình của Thỉnh Nguyện Viên cho thánh nữ Faustina, dưới chỉ thị của thẩm quyền tổng giáo phận Cracow.

Quyển Nhật Ký có mục tiêu cổ động việc sùng kính lòng thương xót Chúa

gần đây đã được quan tâm rộng rãi vì hai nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất: Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin hai năm trước đây [1978] đã duyệt xét

và rút lại những điều kiểm phán trước đây của Tòa Thánh liên quan đến những bản viết của nữ tu Faustina.

Việc rút lại “thông tư” ấy đã làm cho việc sùng kính lòng thương xót Chúa,

như được trình bày trong Nhật Ký này, được tiến triển khắp các lục địa với một sinh lực mới, như được ghi nhận qua vô số những chứng cứ mà Thỉnh Nguyện Viên cũng như hội dòng của nữ tu Faustina đã thu thập được.

Thứ hai: Bức tông thư Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương (Dives in Misericordia) mới đây của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thu hút sự chú ý của Giáo Hội, và cả thế giới thế tục, một cách thích thú đến với một ưu phẩm rất kỳ diệu của Thiên Chúa và là khía cạnh phi thường trong nhiệm cục cứu độ: đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.

Một công trình nghiên cứu tường tận hầu làm nổi bật sự tương đồng giữa các ý tưởng trong Nhật Ký thánh nữ Faustina và trong bức tông thư trên (không cần đề cập đến tính cách cá biệt của từng tài liệu) có lẽ rất đáng được hoan nghênh.

Chắc chắn sẽ có rất nhiều điểm nổi bật, bởi vì cả hai đều kín múc khởi hứng từ một nguồn mạch; đó là mặc khải của Thiên Chúa và giáo huấn của Chúa Kitô.

Hơn nữa, cả hai đều xuất phát từ một cảnh vực tinh thần như nhau, cùng từ

Cracow, một thành phố – mà tôi biết – đã có ngôi thánh đường dâng kính lòng thương xót Chúa cổ kính nhất. Tương tự, cũng cần nhấn mạnh rằng chính đức hồng y Karol Wojtyla, tổng giám mục Cracow trong thời gian ấy, cũng chính là người đã nỗ lực rất nhiều trong việc vận động phong chân phúc cho nữ tu Faustina và thực sự ngài đã khởi sự tiến trình ấy.

Trong ánh sáng này, quyển Nhật Ký thánh nữ Faustina mang thêm một ý nghĩa nữa đối với linh đạo Công Giáo; và vì thế, điều thích thuận là phải chuẩn bị một ấn bản đáng tin cậy, đủ sức ngăn ngừa nạn bóp méo bản văn do những người, tuy hành động vì niềm tin tốt lành, nhưng không được chuẩn bị tương xứng với những công việc như thế. Như vậy, chúng ta có thể tránh được những ấn bản chứa đầy những dị biệt và thậm chí các mâu thuẫn, như đã từng xảy ra trong trường hợp quyển tự thuật của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, tức là quyển Truyện Một Tâm Hồn.

Nếu lướt qua quyển Nhật Ký này, có thể độc giả sẽ ngỡ ngàng vì sự đơn giản của ngôn từ, thậm chí còn có cả những lỗi chính tả và văn pháp, nhưng xin đừng quên rằng tác giả quyển Nhật Ký này chỉ có một trình độ học vấn giới hạn.

Chính những điểm giáo lý thần học trong Nhật Ký này mới làm bừng tỉnh nơi độc giả một niềm xác tín về tính cách độc đáo của nó; và nếu xét đến sự tương phản giữa trình độ học vấn với trình độ thần học cao vời của thánh nữ Faustina, chúng ta mới thấy hết được tác dụng đặc biệt của ơn thánh.

Ở đây, tôi muốn đề cập đến cuộc gặp gỡ của tôi với một nhà thần bí thời

danh đương đại, đó là nữ tu Speranza tại Collevalenza, một nơi cách thành phố Todi [Ý] không xa lắm, người đã thành lập đền thánh “Tình Yêu Thương Xót,” điểm đến của vô vàn khách hành hương. Tôi đã hỏi nữ tu Speranza có nghe biết về những thủ bản của nữ tu Faustina hay không và nghĩ gì về những thủ bản ấy.

Nhà thần bí đã trả lời một cách đơn giản: “Những thủ bản ấy chứa đựng một giáo huấn tuyệt vời, nhưng khi đọc, người ta phải nhớ rằng Thiên Chúa nói với các triết gia bằng ngôn ngữ các triết gia, và nói với các tâm hồn đơn sơ bằng ngôn ngữ những người đơn sơ, và chỉ những người đơn sơ mới được tỏ cho biết về các chân lý, những điều che giấu các bậc thông thái và hiền triết của thế gian này.”

Để kết thúc phần giới thiệu này, xin cho tôi được phép đề cập đến một suy tư

của riêng tôi từ năm 1952, khi lần đầu tiên tôi được tham dự nghi lễ tôn phong

chân phúc long trọng tại vương cung thánh đường thánh Phêrô. Một người tham dự cuộc lễ mừng sau đó đã hỏi tôi, “Đấng được tôn phong này thực sự là ai?” Câu hỏi đã làm tôi hết sức lúng túng, bởi vì lúc ấy tôi không nhớ ra những vị được tôn phong là ai, mặc dù tôi quá biết mục đích cuộc tôn phong là nêu lên cho Dân Chúa một tấm gương để chiêm ngưỡng và noi theo cuộc sống của các ngài.

Trong số những vị được đệ trình xin tôn phong chân phúc và hiển thánh, Ba

Lan hiện đã có hai vị rất quen thuộc, toàn thể thế giới đều biết các ngài đã thực hiện những gì trong cuộc sống và các ngài đã rao giảng sứ điệp nào. Đó là chân phúc [nay đã là hiển thánh] Maximilian Kolbe, vị tử đạo vì đức bác ái, và nữ tu [nay cũng đã là hiển thánh] Faustina Kowalska, vị tông đồ của lòng thương xót Chúa.

Rôma, ngày 20 tháng 12 năm 1980.

Andrew M. Deskur

Tổng giám mục hiệu tòa Tene

——-