Nhật ký Lòng Chúa Thương Xót tập 1, đoạn ( 85-99)

85 Vào thứ Sáu, sau khi hiệp lễ, thần trí tôi được đưa đến trước ngai Thiên Chúa. Ở đó, tôi nhìn thấy các quyền thần không dứt lời tán dương Thiên Chúa. Bên kia ngai tòa, tôi nhìn thấy một vầng sáng mà các thụ tạo không thể đến gần, và ở đó chỉ có Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Trung Gian của chúng ta. Khi Chúa Giêsu bước vào vầng sáng ấy, tôi được nghe những lời này, Con hãy ghi lại ngay những gì nghe được: Cha là Thiên Chúa tự yếu tính, siêu vượt các trật tự hoặc các nhu cầu. Nếu Cha gọi các thụ tạo ra hiện hữu – đó là vì vực thẳm nhân lành của Cha. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra mình đang quì trong nhà nguyện như trước, đúng lúc thánh lễ vừa kết thúc. Và tôi cũng đã ghi xong những lời này.

86 + [Một lần kia] khi tôi nhìn thấy cha giải tội của tôi [có lẽ là cha Sopocko] phải chịu đau khổ vì công việc Chúa đang định thực hiện qua ngài, nỗi sợ hãi bao trùm lấy tôi một lúc và tôi thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, đây là công việc của Chúa, thế mà Chúa nỡ đối xử như vậy (36) với ngài hay sao? Con thấy hình như Chúa đang gây khó cho ngài trong khi Chúa lại ban lệnh cho ngài thực hiện.”

Con hãy viết rằng ánh nhìn của Cha ngày đêm luôn dõi theo ngài, và Cha tha phép những gian nan này xảy đến là để tăng thêm công phúc cho ngài mà thôi. Cha ban thưởng không dựa vào thành quả, nhưng vào sự nhẫn nại và khó khăn người ta phải chịu vì Cha.

Vilnius, ngày 26 tháng 10 năm 1934 87 Thứ Sáu, lúc sáu giờ kém mười, khi cùng với một số học sinh của chúng tôi 38 từ ngoài vườn trở về dùng bữa tối, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu trên nhà nguyện của chúng tôi, giống như lúc Người hiện ra lần đầu với tôi và trong bức hình. Hai luồng sáng từ Trái Tim Chúa Giêsu chiếu giãi nhà nguyện và phòng y tế, và sau đó lan tỏa khắp thành phố và toàn thế giới. Hiện tượng này kéo dài chừng bốn phút, và sau đó biến đi. Một thiếu nữ trong nhóm cùng đi với tôi, đi sau những người khác một chút, cũng thấy những ánh sáng này, nhưng không được nhìn thấy Chúa Giêsu và không biết ánh sáng ấy từ đâu mà đến. Em quá xao xuyến nên đem kể cho các thiếu nữ khác. Họ nhao lên cười nhạo, cho là tưởng tượng hoặc là ánh sáng phản chiếu của một phi cơ bay qua. Nhưng em nằng nặc cả quyết chưa từng nhìn thấy những luồng sáng như thế bao giờ. Khi những thiếu nữ khác nói rằng có lẽ đó là ánh sáng của một đèn pha, em cho biết em quá biết ánh sáng đèn pha, còn ánh sáng này thì chưa bao giờ nhìn thấy.

Sau bữa tối, thiếu nữ ấy đến bên tôi và kể lại em rất xúc động vì những luồng sáng đến nỗi không thể giữ kín và muốn nói cho mọi người cùng biết. Tuy nhiên, em không được nhìn thấy Chúa Giêsu. Em cứ kể cho tôi về những luồng sáng ấy khiến tôi khó xử vì không thể cho em biết rằng chính tôi đã được nhìn thấy Chúa Giêsu. Tôi cầu nguyện cho em và xin Chúa ban cho em những ân sủng cần thiết. Lòng tôi vui mừng vì Chúa Giêsu đã chủ động tỏ mình ra, cho dù trong trường hợp hành động như thế, Người đã gây phiền hà cho tôi. Nhưng dù sao, vì Chúa Giêsu, chúng ta có thể chịu đựng bất cứ điều gì.

88 (37) + Trong giờ chầu, tôi cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi bên mình. Một lúc sau, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Khi nhìn thấy hai Đấng, tôi được tràn ngập niềm vui và tôi hỏi Chúa, “Lạy Chúa Giêsu, thánh ý Chúa thế nào về điều cha giải tội đã truyền cho con hỏi Chúa?” Chúa Giêsu đáp, Thánh ý Cha là ngài nên ở lại đây và không nên tự ý miễn chước cho mình. Tôi hỏi Chúa Giêsu có thể ghi hàng chữ: “Chúa Kitô, Vua Thương Xót” được không. Chúa trả lời: “Cha là Vua Thương Xót,” nhưng Người không dùng lại chữ “Kitô.” Cha ước mong bức hình này được trưng bày công khai vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh. Chúa Nhật ấy sẽ đại lễ kính Lòng Thương Xót của Cha. Qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Cha tỏ ra cõi sâu khôn dò lòng nhân lành của Cha.

89 + Thật lạ lùng, mọi sự đều xảy ra đúng như Chúa đã yêu cầu. Thực vậy, hôm ấy vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh [tháng 4 năm 1935], lần đầu tiên bức hình đã được đông đảo các tín hữu công khai thờ kính. Suốt ba ngày, bức hình đã được trưng bày và nhận được sự sùng kính công khai. Vì được trưng bày ngay trên một cửa sổ tại Ostra Brama [đền thánh Đức Mẹ trên Cổng Phía Đông dẫn đến thành phố Vilnius], nên từ rất xa đã có thể nhìn thấy bức hình. Tại Ostra Brama, trong ba ngày ấy, nghi lễ bế mạc năm thánh Cứu Độ đang được cử hành, kỷ niệm 1900 năm cuộc Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế. Giờ đây, tôi nhìn thấy công cuộc cứu độ gắn liền với công cuộc thương xót mà Chúa đang kêu gọi.

90 Một ngày kia, trong lòng tôi nhìn thấy cha giải tội của tôi phải đau khổ rất nhiều: các đồng bạn sẽ lìa bỏ cha trong lúc mọi người đứng lên chống đối cha, còn sức khỏe phần xác của cha lại kiệt quệ. Con nhìn thấy cha như một chùm nho được chủ vườn chọn hái và rồi ném vào máy ép đau khổ. Thưa cha, linh hồn của cha đôi lúc ngập ngụa những nghi nan về công cuộc này và về con. Thấy Chúa xem ra cũng chống lại cha, tôi hỏi sao Chúa lại xử với ngài như vậy, khác nào đặt các vật cản không cho ngài thực hiện những điều Chúa truyền cho ngài hoàn tất. Và Chúa phán với tôi: Cha xử với ngài như vậy để minh chứng công cuộc này là của Cha. Con hãy nói cho ngài (38) đừng sợ hãi; ánh nhìn của Cha ngày đêm luôn dõi theo ngài. Số hào quang làm nên triều thiên của ngài sẽ nhiều bằng số linh hồn được cứu vớt nhờ công cuộc này. Cha ban thưởng không dựa trên thành công, nhưng trên đau khổ vì công việc.

91 Lạy Chúa Giêsu của con, một mình Chúa biết những bách hại con đang phải chịu chỉ vì trung tín với Chúa và tuân theo những lệnh truyền của Chúa. Chúa là dũng lực của con; xin nâng đỡ để con có thể thực hiện những gì Chúa đòi hỏi. Tự mình con, con chỉ là hư vô, nhưng khi được Chúa phù trợ, mọi khó khăn không còn là gì đối với con nữa. Lạy Chúa, con có thể thấy rất rõ ràng từ khi linh hồn con lần đầu tiên được nhận biết Chúa, cuộc đời con đã là một cuộc chiến triền miên, ngày càng khốc liệt hơn.

Mỗi sáng, trong giờ nguyện gẫm, con chuẩn bị cho một ngày chiến đấu. Việc hiệp lễ bảo đảm cho con rằng con sẽ chiến thắng; và quả đúng như vậy. Con sợ hãi ngày mà con sẽ không được hiệp lễ. Bánh của Những Người Mạnh đem đến cho con tất cả dũng lực cần thiết để dấn bước trong sứ mạng và can trường chu toàn những điều Chúa đòi hỏi. Can trường và sức mạnh trong con không phải của con, nhưng là của Đấng ngự trong con – đó là Chúa Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu của con, những hiểu lầm thật quá kinh hoàng; nhiều khi, nếu không nhờ Thánh Thể, chắc con không thể can đảm dấn bước trên đường Chúa đã vạch sẵn cho con.

92 Xỉ nhục là lương thực hằng ngày của tôi. Tôi biết tân nương sẽ phải chia sẻ mọi sự với tân lang; như vậy, chiếc áo phỉ báng của Người cũng sẽ phủ lên thân tôi. Trong những lúc đầy đau khổ, tôi cố gắng nín lặng vì không tin vào lưỡi của mình, trong những lúc ấy, chiếc lưỡi có xu hướng biện minh cho bản thân, trong khi bổn phận nó là phải giúp tôi ca tụng Thiên Chúa về mọi phúc lành và ân huệ Người ban. Khi được rước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi tha thiết xin Người dủ lòng đoái thương chữa lành lưỡi tôi để tôi không còn xúc phạm đến Chúa và người lân cận. Tôi muốn lưỡi tôi không ngừng ca tụng Chúa. Những sai lỗi của chiếc lưỡi thật kinh hồn. Linh hồn sẽ không đạt đến sự thánh thiện nếu không canh phòng chiếc lưỡi của mình.

93 (39) + Tóm Lược Giáo Lý Lời Khấn 39 H: [Hỏi] Lời khấn là gì?

Đ: [Đáp] Lời khấn là một lời tự tình hứa với Chúa để thực hiện một hành vi trọn lành hơn.

H: Lời khấn có hiệu lực bắt buộc trong một vấn đề thuộc đối tượng của một giới luật hay không?

Đ: Có. Việc thực hiện một hành vi thuộc đối tượng giới luật mang một giá trị và công trạng kép; tuy nhiên, việc thiếu sót một hành vi như thế là một vi phạm và sự dữ kép, bởi vì khi lỗi phạm lời khấn, chúng ta phạm một tội vừa vi phạm giới luật, vừa vi phạm sự thánh.

H: Tại sao các lời khấn bậc tu trì lại có giá trị như thế?

Đ: Vì đó là nền tảng của nếp sống tu trì đã được Giáo Hội chuẩn nhận, trong đó, các phần tử liên kết với nhau trong một cộng đồng tu trì phải luôn phấn đấu đạt đến sự trọn lành bằng ba lời khấn thanh bần, thanh tịnh, tuân phục, và tuân giữ các qui luật của dòng.

H: “Phấn đấu đạt đến sự trọn lành” nghĩa là gì?

Đ: Phấn đấu đạt đến sự trọn lành không có nghĩa là đã đạt được sự hoàn thiện trong nếp sống tu trì, nhưng buộc chúng ta, với qui trách phạm tội, hằng ngày phải ra sức đạt đến sự trọn lành. Vì thế, một tu sĩ không muốn trở nên trọn lành là thiếu sót bổn phận chính yếu trong bậc sống của mình.

H: Lời khấn “trọng” là gì?

Đ: Lời khấn “trọng” mang tính tuyệt đối, vì thế, trong các trường hợp ngoại thường, chỉ mình Đức Thánh Cha mới có thể tháo chuẩn.

H: Lời khấn “đơn” là gì?

Đ: Lời khấn “đơn” không mang tính tuyệt đối, Tòa Thánh vẫn tháo chuẩn và vô hiệu hóa những lời khấn trọn đời và những lời khấn hằng năm.

Đ: Lời khấn liên quan đến những điều đòi buộc, với qui trách phạm tội; nhân đức vượt trên điều ấy và trợ giúp cho việc thực thi lời khấn; hơn nữa, khi vi phạm lời khấn là chúng ta đã sai lỗi và làm tổn hại nhân đức.

H: Các lời khấn bậc tu trì đòi buộc chúng ta đến mức nào?

Đ: Các lời khấn bậc tu trì đòi buộc chúng ta phải nỗ lực đắc thủ các nhân đức, hoàn toàn suy phục các bề trên và các qui luật có hiệu lực của dòng; như vậy, các tu sĩ hiến thân cho cộng đoàn, từ bỏ mọi quyền lợi và hoạt động của bản thân để hy sinh phụng sự Thiên Chúa.

Lời Khấn Thanh Bần

Khấn thanh bần là tự nguyện từ bỏ quyền lợi về của cải hoặc quyền sử dụng các của cải với mục đích làm hài lòng Thiên Chúa.

H: Những đối tượng của lời khấn thanh bần là gì?

Đ: Đó là tất cả của cải và những vật dụng liên quan đến cộng đoàn. Chúng ta không còn quyền trên bất cứ thứ gì đã được ban cho chúng ta, một khi đã được lãnh nhận, dù là vật dụng hay tiền bạc. Tất cả những của biếu tặng và quà cáp – dù chúng ta nhận được do lòng biết ơn hoặc vì một nguyên nhân nào khác – đều thuộc về quyền lợi của cộng đoàn. Chúng ta không thể sử dụng những lương tiền chúng ta nhận được do công việc hoặc trợ cấp mà không vi phạm lời khấn.

H: Khi nào chúng ta lỗi hoặc vi phạm lời khấn nhưng liên quan đến giới răn thứ bảy?

Đ: Chúng ta vi phạm khi không có phép mà thủ đắc bất cứ của gì thuộc về nhà dòng; khi không có phép, mà giữ lại của gì để chiếm dụng; và khi không được ủy quyền, mà mua bán hoặc đổi chác những của cải thuộc về cộng đoàn. Chúng ta vi phạm khi sử dụng một vật không đúng với mục đích bề trên đã đề ra; khi cho hoặc nhận bất cứ của gì mà không có phép; khi vì chểnh mảng mà làm hư hại một vật gì; mang theo vật gì khi di chuyển từ nhà này sang nhà khác mà không có phép. Khi lời khấn bị vi phạm, tu sĩ (41) buộc phải bồi thường cho cộng đoàn.

Nhân Đức Thanh Bần

Đây là một nhân đức Phúc Âm, đòi buộc linh hồn phải siêu thoát với những sự vật đời này; các tu sĩ vì đã tuyên khấn nên buộc phải tuân giữ nghiêm túc. H: Khi nào chúng ta phạm tội nghịch nhân đức thanh bần?

Đ: Khi chúng ta ước ao điều gì trái nghịch với nhân đức này. Khi chúng ta dính bén với của cải và khi sử dụng những của dư thừa.

H: Nhân đức thanh bần có bao nhiêu cấp độ và những cấp độ ấy là gì?

Đ: Trong thực hành, nhân đức thanh bần của một tu sĩ có lời khấn gồm bốn cấp độ: không dùng của gì nếu không có sự đồng ý của bề trên (chất liệu của lời khấn); tránh dùng của cải dư thừa và bằng lòng với những vật dụng cần thiết (điều này liên quan đến nhân đức); vui lòng với những vật dụng kém chất lượng liên quan đến nhà ở, y phục, thực phẩm, v.v... và trong lòng cảm nghiệm được niềm vui; vui vì được sống trong cảnh nghèo túng cùng cực.

Lời Khấn Thanh Tịnh

H: Lời khấn này đòi buộc chúng ta những gì?

Đ: Lời khấn này đòi chúng ta phải khước từ hôn nhân và xa tránh tất cả những gì giới răn thứ sáu và giới răn thứ chín ngăn cấm.

H: Một sai lỗi về nhân đức có phải cũng vi phạm lời khấn hay không?

Đ: Mọi sai lỗi nghịch nhân đức thanh tịnh cũng đồng thời vi phạm lời khấn thanh tịnh, bởi vì ở đây không có sự khác biệt giữa lời khấn và nhân đức như trong trường hợp khó nghèo và vâng phục. (42)

H: Mọi tư tưởng xấu có phải là tội không?

Đ: Không, không phải mọi tư tưởng xấu đều là tội; tư tưởng xấu chỉ trở thành tội khi có sự ưng thuận hoàn toàn của ý chí và sự ưng thuận ấy đi liền sau sự suy xét của lý trí.

H: Ngoài những tội lỗi nghịch đức thanh tịnh, còn điều gì cũng nguy hại cho nhân đức này nữa?

Đ: Việc thiếu cẩn phòng các giác quan, trí tưởng tượng, các cảm xúc, các tình cảm thân mật đều gây tổn hại cho nhân đức.

H: Đâu là những phương thế để bảo toàn nhân đức này?

Đ: Việc tưởng nghĩ đến sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ giúp vượt thắng và chống lại những cám dỗ trong lòng mà không sợ hãi. Về các chước cám dỗ bên ngoài, hãy tránh dịp. Nói chung có bảy phương thế chính yếu sau đây: cẩn phòng giác quan; tránh dịp tội; tránh ở nhưng không; mau chóng xua đuổi các cơn cám dỗ; xa tránh tất cả, nhất là những tình cảm riêng tư; sống tinh thần khổ chế; và bày tỏ tất cả các cám dỗ với cha giải tội.

Ngoài ra, cũng còn năm phương thế khác giúp bảo toàn nhân đức này: khiêm tốn; có tinh thần cầu nguyện; nết na giữ con mắt; trung thành giữ luật; thành thực sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Lời Khấn Vâng Phục

Lời khấn vâng phục cao trọng hơn hai lời khấn kia. Quả thật, đó là một của lễ toàn thiêu. Lời khấn này còn cần thiết hơn nữa vì tạo lập và làm sinh động hội dòng.

H: Lời khấn vâng phục đòi buộc chúng ta những gì?

Đ: Với lời khấn tuân phục, tu sĩ hứa quyết với Thiên Chúa sẽ vâng phục các Bề Trên hợp pháp trong mọi sự các ngài đặt định theo luật dòng. Lời khấn tuân phục buộc các tu sĩ phải lệ thuộc vào bề trên theo luật định trong suốt đời và trong mọi công việc. Tu sĩ phạm tội trọng lỗi lời khấn tuân phục khi bất tuân mệnh lệnh được truyền (43) với hiệu lực đức tuân phục và hiệu lực của luật dòng.

Nhân Đức Tuân Phục

Nhân đức tuân phục còn đi sâu hơn lời khấn; bao gồm luật dòng, các qui định, và cả lời khuyên của các bề trên.

H: Phải chăng nhân đức tuân phục là điều thiết yếu đối với tu sĩ?

Đ: Nhân đức tuân phục là điều thiết yếu đối với tu sĩ đến độ giả như họ làm những việc lành nhưng nghịch với đức tuân phục thì những việc này cũng là điều dữ và không có công trạng.

H: Chúng ta có thể phạm tội trọng lỗi nhân đức tuân phục không?

Đ: Chúng ta phạm tội trọng lỗi nhân đức tuân phục khi khinh thị quyền bính hoặc mệnh lệnh của bề trên, hoặc khi vì hành vi không tuân phục của ta mà làm hại cho cộng đoàn trên phương diện tinh thần hoặc vật chất.

H: Những lỗi nào gây nguy hại cho lời khấn?

Đ: Để lòng thành kiến hoặc nuôi ác cảm với bề trên – xầm xì hoặc chỉ trích, chậm chạp và chểnh mảng.

Cấp Độ Tuân Phục

Chu toàn mau mắn và trọn vẹn – tức là vâng phục của ý chí, khi ý chí thuyết phục lý trí suy phục lời khuyên của bề trên. Thánh Inhaxiô đưa ra ba phương thế giúp tuân phục dễ dàng: luôn luôn nhìn nhận Thiên Chúa nơi bề trên của chúng ta, cho dù ngài là ai; hiểu ý lành cho mệnh lệnh hoặc lời khuyên của bề trên; chấp nhận mỗi mệnh lệnh như một lệnh truyền từ Chúa mà đến, không chất vấn hoặc xét nét. Phương thế tổng quát: khiêm tốn. Không có gì khó khăn đối với những người khiêm tốn.

94 (44) Lạy Thiên Chúa của con, xin đốt lửa tình yêu Chúa trong tâm hồn con để thần trí con không bị yếu nhược giữa những phong ba, đau khổ và thử thách. Chúa biết con yếu đuối nhường nào. Tình yêu có thể làm được mọi sự.

95 + Hiểu Biết Chúa Hơn và Nỗi Sợ Hãi của Linh Hồn

Lúc đầu, Thiên Chúa tỏ mình qua sự thánh thiện, đức công bình, và lòng nhân lành – tức là lòng thương xót của Người. Linh hồn không nhận biết tất cả điều này ngay một lúc, nhưng từng chút một, như những tia chớp; tức là khi Thiên Chúa đến gần. Nhưng điều này không kéo dài lâu, bởi vì linh hồn không thể chịu nổi ánh sáng như thế. Trong giờ cầu nguyện, linh hồn cảm nhận được những tia chớp của ánh sáng này khiến nó không sao cầu nguyện được như trước kia. Linh hồn cố gắng hết sức để ép mình cầu nguyện như trước, nhưng vô ích, nó hoàn toàn không còn khả năng để tiếp tục cầu nguyện như trước khi nhận được ánh sáng này. Ánh sáng này đã chạm đến linh hồn và sống động trong đó, không gì có thể dập tắt hay làm giảm đi được. Tia chớp tri thức Thiên Chúa này cuốn hút linh hồn và làm nó bừng cháy tình yêu Thiên Chúa.

Nhưng tia chớp này đồng thời cũng làm cho linh hồn được biết mình; linh hồn thấy tất cả nội tâm mình trong một ánh sáng siêu việt, và nó trỗi dậy trong tỉnh thức và kinh hãi. Tuy nhiên, linh hồn không ở mãi dưới những ảnh hưởng của sự kinh hãi, nhưng bắt đầu tự thanh luyện, khiêm tốn và tự hạ trước nhan Thiên Chúa. Những ánh sáng này càng chói chang và thường xuyên hơn thì càng xuyên thấu linh hồn và linh hồn trở nên tinh sạch hơn. Tuy nhiên, nếu như linh hồn trung thành và can đảm đáp ứng những ơn thánh đầu tiên ấy, Thiên Chúa sẽ ban dư đầy an ủi và hiến mình cho linh hồn đến độ có thể cảm nhận được. Có thể nói có những những giây phút linh hồn tham dự và hoan hưởng ân tình thân mật với Thiên Chúa; linh hồn tin đã đạt đến mức hoàn thiện được tiền định cho mình, bởi lẽ những khuyết điểm và bất toàn của linh hồn đang ngủ yên, và điều này khiến linh hồn tưởng chúng không còn nữa. Không còn gì là khó khăn, linh hồn sẵn sàng làm mọi sự. Linh hồn bắt đầu gieo mình vào Thiên Chúa và cảm hưởng những hoan lạc thần linh. Linh hồn được ân sủng mang đi và không nghĩ gì đến thời gian thử thách và thanh tẩy sẽ đến. Và quả thực, tình trạng này không kéo dài lâu. Những thời khắc khác sẽ mau đến. Tuy nhiên, tôi phải thêm rằng linh hồn vẫn có thể đáp ứng trung thành với ơn Chúa nếu như có được một cha giải tội từng trải để linh hồn có thể thổ lộ mọi sự.

96 (45) + Những thử thách Thiên Chúa gửi đến cho một linh hồn được Người ưu ái đặc biệt. Những thử thách và bóng tối; Satan.

Tình yêu linh hồn [đối với Thiên Chúa] vẫn chưa phải là thứ tình yêu mà Thiên Chúa muốn thấy. Linh hồn bỗng nhiên mất hết tri thức giác cảm về sự hiện diện của Thiên Chúa. Những khuyết điểm và bất toàn đủ loại trỗi dậy; và linh hồn phải chiến đấu mãnh liệt để chống lại. Tất cả mọi sai lỗi ngóc đầu dậy, nhưng sự cảnh tỉnh của linh hồn thật lớn lao. Ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trước kia nhường chỗ cho tình trạng lạnh lẽo và khô khan thiêng liêng; linh hồn không còn cảm hưởng gì nữa đối với các việc thiêng liêng; không thể cầu nguyện, dù theo cách thế cũ, hay theo cách thế mà linh hồn vừa mới bắt đầu cầu nguyện. Linh hồn vùng vẫy hết cách nhưng không sao được thỏa nguyện. Thiên Chúa đã ẩn mặt và linh hồn không tìm được an ủi nơi các thụ tạo, mà cũng chẳng thụ tạo nào tìm ra cách để an ủi linh hồn. Linh hồn khắc khoải khát mong Thiên Chúa nhưng chỉ thấy nỗi khốn cùng của mình; nó bắt đầu cảm nhận ra phép công thẳng của Thiên Chúa; dường như linh hồn đã đánh mất mọi ân huệ Thiên Chúa ban cho; tâm trí mịt mù, tăm tối phủ đầy; những nỗi cực hình khôn xiết đã bắt đầu. Linh hồn cố gắng giãi bày tình trạng của mình cho cha giải tội nhưng không được thông cảm, mà còn bị một sự áy náy ngày càng gia tăng tấn công dữ dội. Satan bắt đầu ra tay.

97 Đức tin chao đảo dưới ảnh hưởng này; cuộc chiến đấu thật kinh hoàng. Linh hồn cố gắng hết sức để bám chặt lấy Thiên Chúa bằng một hành vi ý chí. Được phép của Thiên Chúa, Satan càng lộng hành: đức cậy và đức mến bị thử thách. Những cám dỗ này thật ghê rợn. Có thể nói Thiên Chúa nâng đỡ linh hồn trong thầm kín. Tuy linh hồn không nhận ra, nhưng nếu không có điều ấy, có lẽ linh hồn không thể đứng vững; và Thiên Chúa quá biết Người có thể tha phép những gì xảy đến với một linh hồn. Linh hồn bị cám dỗ đừng tin tưởng các chân lý mặc khải và đừng chân thành với cha giải tội. Satan rỉ rón, “Hãy xem, có ai hiểu ngươi đâu; tại sao lại tỏ lộ tất cả chuyện này làm gì?” Những lời ấy làm linh hồn kinh hãi cứ văng vẳng bên tai, và dường như chính linh hồn cũng đang thốt ra những lời ấy để chống lại Thiên Chúa. Linh hồn thấy điều không muốn thấy, nghe điều không muốn nghe. Và thật kinh khủng nếu như linh hồn không có một cha giải tội từng trải! Linh hồn một mình ì ạch vác tất cả gánh nặng. Tuy nhiên, linh hồn phải nỗ lực hết sức để tìm cho được một cha giải tội kinh nghiệm, vì họ có thể quị ngã dưới sức nặng và đã đến sát bờ vực thẳm. (46) Tất cả những thử thách này rất nặng nề và gian nan. Thiên Chúa không gửi cho các linh hồn chưa được tiếp nhận vào nghĩa tình thân mật với Người và nếm hưởng những hoan lạc thiêng liêng. Hơn nữa ở đây, Thiên Chúa có những chương trình riêng mà chúng ta không sao hiểu thấu. Thiên Chúa thường chuẩn bị linh hồn như thế cho các chương trình và công cuộc lớn lao của Người trong tương lai. Chúa muốn thử luyện linh hồn như một thứ vàng tinh ròng. Nhưng đây chưa phải là kết thúc cuộc thử thách; còn một cuộc thử thách vượt trên các thử thách khác: linh hồn bị Thiên Chúa ruồng rẫy.

+ Cuộc Thử Thách trên Các Thử Thách,

Bị Ruồng Bỏ – Tuyệt Vọng

98 Khi linh hồn khải thắng những cuộc thử thách trước kia, mặc dù có thể vấp ngã đây đó, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng và khiêm tốn kêu cầu Thiên Chúa, “Lạy Chúa, xin thương cứu kẻo con chết mất!” Và linh hồn vẫn phải tiếp tục chiến đấu.

Tuy nhiên, đến lúc này, linh hồn còn bị chìm ngập giữa bóng đêm kinh hoàng. Linh hồn thấy nơi mình chỉ toàn tội lỗi. Nó cảm thấy hãi hùng, thấy đã bị Thiên Chúa loại bỏ hoàn toàn. Nó thấy mình là đối tượng bị Thiên Chúa ghét bỏ. Chỉ còn một bước chân nữa là linh hồn đến chỗ tuyệt vọng. Linh hồn cố gắng hết sức để tự vệ; ra sức khơi dậy niềm tin; nhưng lời cầu nguyện ấy biến nên một cực hình cho nó, dường như chỉ khiến cho Thiên Chúa thêm thịnh nộ. Linh hồn thấy mình chới với trên vách đá chót vót, sát bên bờ vực thẳm.

Linh hồn được lôi cuốn đến với Chúa nhưng lại cảm thấy bị cự tuyệt. Tất cả mọi đau khổ và cực hình thế gian này chẳng là gì nếu sánh với cảm giác mà linh hồn đang bị đẩy vào; tức là bị Thiên Chúa loại bỏ. Không ai làm cho linh hồn được khuây khỏa; nó hoàn toàn cô độc; không được ai chở che. Linh hồn ngước mắt về thiên đàng, nhưng đinh ninh thiên đàng không có chỗ cho mình – đối với nó, tất cả đều đã mất mát. Linh hồn ngày càng lún sâu hơn vào tăm tối này đến tối tăm kia, dường như vĩnh viễn đã đánh mất Thiên Chúa là Đấng trước kia nó đã từng thiết tha yêu mến. Ý nghĩ đó là một cực hình không lời tả xiết. Nhưng linh hồn không đầu hàng và cố gắng vươn tầm nhìn về thiên đàng, nhưng vô ích! Điều này làm cho nỗi cực hình càng thêm ghê rợn hơn nữa.

(47) Nếu Thiên Chúa muốn giữ linh hồn trong cảnh tối tăm như thế thì không ai có thể đem lại ánh sáng cho nó được. Một cách sống động đầy kinh hoàng, linh hồn cảm thấy bị Thiên Chúa loại bỏ. Từ lòng nó phát ra những tiếng than não nề, thống thiết đến độ không một linh mục nào hiểu thấu, trừ phi chính ngài cũng từng trải qua thử thách như vậy. Trong thảm cảnh đó, thần dữ còn trút thêm thống khổ cho linh hồn và chế giễu: “Ngươi còn lì lợm trung thành nữa không? Phần thưởng cho ngươi đấy; ngươi nằm trong quyền lực của tao rồi!” Nhưng Satan chỉ có thể chì chiết linh hồn đến mức độ Thiên Chúa cho phép mà thôi, vì Thiên Chúa biết chúng ta có thể chịu đựng đến đâu. Satan eo xèo, “Ngươi được những gì qua sự khổ chế và qua sự trung thành với luật dòng của ngươi nào? Tất cả những cố gắng ấy ích lợi gì đâu? Ngươi đã bị Thiên Chúa ruồng bỏ rồi!” Hai tiếng ruồng bỏ trở thành một mồi lửa xuyên qua mọi tế bào thần kinh, thấu tận xương tủy. Nó xuyên thấu toàn thể hữu thể. Cơn thử thách lên đến cực điểm. Linh hồn không còn tìm sự trợ giúp ở đâu nữa. Linh hồn co rúm lại với chính mình và không còn nhìn thấy gì nữa; như thể đã chấp nhận cực hình bị ruồng bỏ. Đây là giờ khắc tôi không còn lời gì để nói. Đây là cơn hấp hối của linh hồn.

99 Lần đầu tiên khi sắp sửa vào thời khắc ấy, tôi đã nhờ đức vâng lời thánh thiện mà thoát được. Mẹ Giám Tập nhận thấy dáng vẻ không ổn của tôi nên truyền tôi đi xưng tội, nhưng vị linh mục không hiểu tôi, và tôi cũng không nghiệm được sự thanh thản nào cả. Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những vị linh mục kinh nghiệm!

Khi tôi bày tỏ cho vị linh mục biết tôi đang trải qua những nỗi khổ hỏa ngục, ngài nói ngài không hề lo lắng cho linh hồn tôi vì thấy đó là một ơn trọng Chúa ban. Nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, ngay một tia sáng leo lắt để soi sáng cho linh hồn tôi mà cũng chẳng có.